13

Th6

QUY TRÌNH VÀ HỒ SƠ CHÀO BÁN CỔ PHẦN ƯU ĐÃI CHO CỔ ĐÔNG HIỆN HỮU

Chào bán cổ phần là việc công ty cổ phần tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động để tăng vốn điều lệ. Thông thường, các công ty cổ phần chưa niêm yết sẽ chào bán cổ phần phổ thông để tăng vốn. Tuy nhiên, bên cạnh cổ phần phổ thông thì công ty cũng có thể lựa chọn chào bán các cổ phần ưu đãi, đây cũng là loại cổ phần hấp dẫn dễ dàng thu hút, gọi vốn đầu tư. Vậy quy trình và thủ tục và hồ sơ chào bán cổ phần ưu đãi cho cổ đông hiện hữu trong công ty được thực hiện như thế nào?

I. CỔ PHẦN ƯU ĐÃI LÀ GÌ?

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần. Cổ phần gồm 2 loại: cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi. Trong đó, Cổ phần ưu đãi được coi là loại cổ phần đặc biệt trong công ty cổ phần, tương ứng với các cổ phần đặc biệt này, cổ đông ưu đãi sẽ nhận được một số ưu đãi hay quyền nhất định trong quá trình quản lý hoạt động của công ty cổ phần.

Theo, khoản 2 điều 114 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định các loại cổ phần ưu đãi gồm:

(i) Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông, số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định.

Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập có hiệu lực trong 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quyền biểu quyết và thời hạn ưu đãi biểu quyết đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ được quy định tại Điều lệ công ty. Sau thời hạn ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi biểu quyết chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có quyền sau đây:

a) Biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết theo quy định tại khoản 1 nêu trên;

b) Quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ quyền chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.

(Cơ sở pháp lý: Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2020)

(ii) Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng, cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi rõ trong cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.

Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có quyền sau đây:

a) Nhận cổ tức theo quy định tại khoản 1 nêu trên;

b) Nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản;

c) Quyền khác như cổ đông phổ thông trừ quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

d) Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi được quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi. Lúc này Nghị quyết chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành hoặc được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

(Cơ sở pháp lý: Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2020)

(iii) Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại và Điều lệ công ty.

Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có quyền như cổ đông phổ thông. Tuy nhiên, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ trường hợp:

– Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (khoản 5 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020)

– Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành hoặc được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản. (Khoản 6 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020).

(iv) Cổ phần ưu đãi khác theo Điều lệ công ty quy định và pháp luật về chứng khoán.

Như vậy, đối với từng loại cổ phần ưu đãi, cổ đông sẽ có những quyền lợi ưu đãi khác nhau so với các cổ đông sở hữu cổ phần khác.

II. ĐIỀU KIỆN CHÀO BÁN CỔ PHẦN ƯU ĐÃI CHO CỔ ĐÔNG CÔNG TY

Căn cứ theo khoản 1, khoản 3 Điều 124 Luật Doanh nghiệp 2020, việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu phải đảm bảo điều kiện chào bán gồm:

(i) Công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ tại công ty.

(ii) Nếu số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký mua hết thì Hội đồng quản trị có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán còn lại cho cổ đông của công ty và người khác với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác hoặc pháp luật về chứng khoán có quy định khác

III. QUY TRÌNH CHÀO BÁN CỔ PHẦN ƯU ĐÃI CHO CỔ ĐÔNG CÔNG TY

Căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, quy trình chào bán cổ phần ưu đãi cho cổ đông hiện hữu được thực hiện như sau:

Bước 1: Tổ chức cuộc Họp Đại hội đồng cổ đông để thông qua việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu

Công ty cổ phần phải tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông và thông qua Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông quyết định về việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Trình tự cuộc họp đại hội đồng cổ đông thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, điều lệ công ty.

Xem thêm: Hướng dẫn tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông – Luat 3s

Trong đó:

Về nội dung Nghị quyết

Nội dung chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu phải bao gồm: Tên, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần, tổng số cổ phần chào bán, giá chào bán, hình thức chào bán, Phương thức xử lý cổ phần không được cổ đông mua hết…..Đồng thời, Nghị quyết phải nêu rõ việc giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục liên quan và thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc đợt chào bán cổ phần nếu Đại hội đồng cổ đông không trực tiếp thông qua việc tăng vốn điều lệ.

Về hình thức thông qua nghị quyết

Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (Khoản 2 Điều 147 Luật Doanh nghiệp 2020)

Về điều kiện thông qua nghị quyết

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông quyết định việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản (Nếu điều lệ công ty có quy định) thì nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông có quyền biểu quyết tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

(Căn cứ: Khoản 4 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020; Khoản 5 Điều 7 Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự 2022)

Thông báo Nghị quyết đến cổ đông có quyền dự họp

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông phải được thông báo đến cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua; trường hợp công ty có trang thông tin điện tử, việc gửi nghị quyết có thể thay thế bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty (Khoản 5 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020)

Bước 2: Thông báo về việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu

Sau khi họp Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, Công ty cần ban hành thông báo bằng văn bản đến cổ đông về việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu chậm nhất 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần. Nội dung của thông báo bao gồm:

a) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;

b) Số cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của cổ đông tại công ty;

c) Tổng số cổ phần dự kiến chào bán và số cổ phần cổ đông được quyền mua;

d) Giá chào bán cổ phần; thời hạn đăng ký mua; họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.

đ) Mẫu phiếu đăng ký mua cổ phần do công ty phát hành.

(Khoản 2 Điều 124 Luật Doanh nghiệp 2020)

Bước 3: Cổ đông Đăng ký mua cổ phần

Sau khi thông báo được ban hành, các cổ đông nhận được thông báo thì tiến hành điền phiếu đăng ký mua cổ phần theo mẫu và gửi về lại cho công ty trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần. Trong trường hợp cổ đông không gửi phiếu đăng ký về lại Công ty trước thời hạn kết thúc đợt chào bán cổ phần thì sẽ mất quyền ưu tiên đăng ký mua cổ phần.

Nếu Cổ đông có quyền ưu tiên mua cổ phần nhưng không có nhu cầu mua cổ phần đó thì có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho cổ đông khác. Trường hợp này, các Công ty cổ phần đều sẽ có quy định một khoảng thời gian nhất định dành cho việc chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần, thông thường thời gian này sẽ trùng với thời hạn chào bán cổ phần.

Trường hợp số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký mua hết thì Hội đồng quản trị có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán còn lại cho cổ đông của công ty và người khác với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác hoặc pháp luật về chứng khoán có quy định khác.

(Khoản 2 Điều 124 Luật Doanh nghiệp 2020)

Bước 4: Thanh toán mua cổ phần

Các cổ đông tiến hành thanh toán cho công ty theo các phương thức đã được quy định trong thông báo chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Cho đến khi cổ đông đã tiến hành thanh toán đầy đủ theo quy định pháp luật, công ty sẽ phát hành và giao cổ phiếu cho người mua, đồng thời cập nhật thông tin vào sổ đăng ký cổ đông của công ty. Ngoài ra, đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết, công ty có thể bán cổ phần mà không trao cổ phiếu. Đối với trường hợp này, các thông tin về cổ đông được ghi vào sổ đăng ký cổ đông để chứng thực quyền sở hữu cổ phần của cổ đông đó trong công ty.

Lưu ý:

– Đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết: Công ty cần quy định rõ trong điều lệ công ty về số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết.

– Đối với cổ phần ưu đãi cổ tức: Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi rõ trong cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức

– Đối với cổ phần ưu đãi hoàn lại: Điều kiện hoàn lại vốn góp được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại và Điều lệ công ty.

Bước 5: Họp hội đồng quản trị để thông qua kết quả chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ

Sau khi hết thời hạn đăng ký mua cổ phần, và các cổ đông đã hoàn tất thanh toán mua cổ phần. Hội đồng quản trị tiến hành cuộc thông qua kết quả chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, đồng thời thông qua việc tăng vốn điều lệ cho công ty.

Bước 6: Đăng ký thay đổi vốn điều lệ tại cơ quan đăng ký kinh doanh

Sau khi hoàn thành thủ tục chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Công ty phải thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán cổ phần và các cổ đông hoàn thành việc thanh toán.

IV. HỒ SƠ THỰC HIỆN CHÀO BÁN CỔ PHẦN ƯU ĐÃI CHO CỔ ĐÔNG CÔNG TY

Căn cứ theo các nội dung nêu trên, Hồ sơ để thực hiện việc thông qua và chào bán cổ phần ưu đãi cho cổ đông hiện hữu trong công ty cổ phần bao gồm những giấy tờ cơ bản sau:

*** Hồ sơ tổ chức họp ĐHĐCĐ bao gồm:

(1) Quyết định tổ chức cuộc họp

(2) Dự thảo chương trình họp

(3) Thư mời họp ĐHĐCĐ

(5) Phiếu xác nhận tham dự ĐHĐCĐ

(6) Giấy uỷ quyền tham dự ĐHĐCĐ

(7) Mẫu cổ phiếu

(8) Dự thảo sửa đổi Điều lệ công ty;

(9) Dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ về việc thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;

(10) Biên bản họp ĐHĐCĐ về việc thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu

(11) Thẻ/phiếu biểu quyết

*** Hồ sơ chào bán, thanh toán, ghi nhận mua cổ phần gồm:

(1) Thông báo về việc chào bán cổ phần

(2) Mẫu phiếu đăng ký mua cổ phần do công ty phát hành.

(3) Mẫu phiếu chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần

(4) Sổ đăng ký cổ đông

(5) Cổ phiếu

*** Hồ sơ họp Hội đồng quản trị thông qua kết quả chào bán cổ phần và quyết định tăng vốn điều lệ công ty

(1) Đề nghị tổ chức cuộc họp HĐQT

(2) Thông báo mời họp HĐQT

(3) Bản sao Biên bản họp HĐQT về việc thông qua kết quả chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và tăng vốn điều lệ công ty;

(4) Nghị quyết HĐQT về việc thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và tăng vốn điều lệ công ty;

*** Hồ sơ tăng vốn điều lệ bao gồm:

Thành phần hồ sơ đăng ký thay đổi vốn điều lệ Sở kế hoạch đầu tư theo Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, bao gồm:

(1) Bản sao Biên bản họp ĐHĐCĐ về việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;

(2) Nghị quyết ĐHĐCĐ thông qua việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;

(3) Bản sao Biên bản họp HĐQT về việc thông qua kết quả chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và tăng vốn điều lệ công ty;

(4) Nghị quyết HĐQT về việc thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và tăng vốn điều lệ công ty;

(5) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký (theo mẫu tại Phụ lục II-1 Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 03 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

(6) Giấy ủy quyền kèm bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân của người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (Trong trường hợp công ty ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện thủ tục này.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Emailinfo.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan