07

Th3

THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY KHAI THÁC THỦY SẢN BIỂN

Bạn quan tâm đến Thủ tục thành lập công ty Khai thác thủy sản biển nhưng còn nhiều băn khoăn và không biết rõ các quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các quy định của pháp luật hiện hành về Thủ tục thành lập công ty Khai thác thủy sản biển. Mời quý bạn đọc cùng theo dõi.

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật doanh nghiệp 2020

– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

– Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp

– Quyết định 27/2018/Qđ-Ttg về hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam

– Luật Thủy sản 2017

– Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản 2017

 

II. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY KHAI THÁC THỦY SẢN BIỂN

1. Phạm vi kinh doanh ngành nghề Khai thác thủy sản biển?

Căn cứ theo quyết định 27/2018/Qđ-Ttg về hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam thì nhóm ngành Khai thác thủy sản biển gồm:

– Đánh bắt cá;

– Đánh bắt động vật loại giáp xác và động vật thân mềm dưới biển;

– Đánh bắt cá voi;

– Đánh bắt các động vật khác sống dưới biển như: rùa, nhím biển…

– Thu nhặt các loại sinh vật biển dùng làm nguyên liệu như: Ngọc trai tự nhiên, hải miên, san hô và tảo;

– Khai thác giống thủy sản biển tự nhiên;

– Hoạt động bảo quản, sơ chế thủy sản ngay trên tàu đánh cá.

2. Điều kiện kinh doanh ngành nghề Khai thác thủy sản biển

Theo quy định của pháp luật hiện nay, Khai thác thủy sản biển là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, để thành lập công ty Khai thác thủy sản biển thì chủ doanh nghiệp ngoài việc cần đáp ứng các điều kiện chung về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần phải tuân thủ quy định về khai thác thủy sản biển như sau:

* Phân vùng khai thác thủy sản

Khoản 1 Điều 48 Luật Thủy sản được quy định chi tiết như sau:

1. Vùng biển Việt Nam được phân thành ba vùng khai thác thủy sản như sau:

a) Vùng ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển dọc theo bờ biển và tuyến bờ. Đối với các đảo, vùng ven bờ là vùng biển được giới hạn bởi ngấn nước thủy triều trung bình nhiều năm quanh bờ biển của đảo đến 06 hải lý;

b) Vùng lộng được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng;

c) Vùng khơi được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam.

2. Ủy ban nhân dân hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tiếp giáp nhau căn cứ vào đặc điểm cụ thể về địa lý của vùng biển ven bờ để hiệp thương xác định và công bố ranh giới vùng khai thác thủy sản ven bờ giữa hai tỉnh.

(Điều 42 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)

* Giấy phép khai thác thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên phải có Giấy phép khai thác thủy sản.

2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này được cấp Giấy phép khai thác thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Trong hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, đối với khai thác thủy sản trên biển;

b) Có nghề khai thác thủy sản không thuộc Danh mục nghề cấm khai thác;

c) Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, đối với tàu cá phải đăng kiểm;

d) Tàu cá có trang thiết bị thông tin liên lạc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

đ) Có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên theo quy định của Chính phủ;

e) Có Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

g) Thuyền trưởng, máy trưởng phải có văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

h) Trường hợp cấp lại do giấy phép hết hạn phải đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản này, đã nộp nhật ký khai thác theo quy định và tàu cá không thuộc danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố.

3. Thời hạn của giấy phép khai thác thủy sản được quy định như sau:

a) Thời hạn của giấy phép cấp lần đầu, cấp lại thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 4 Điều này không quá thời hạn còn lại của hạn ngạch kể từ ngày cấp;

b) Thời hạn của giấy phép được cấp lại thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều này bằng thời hạn còn lại của giấy phép đã được cấp.

4. Nội dung của Giấy phép khai thác thủy sản được điều chỉnh khi có biến động về nguồn lợi thủy sản theo quy định tại khoản 4 Điều 49 của Luật này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo việc điều chỉnh nội dung Giấy phép khai thác thủy sản cho chủ tàu.

(Điều 50 Luật Thủy sản 2017)

* Quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá

1. Yêu cầu của thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá:

a) Phải được kết nối, đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát tàu cá lắp đặt tại trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá ở trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển;

b) Tự động truyền qua hệ thống thông tin vệ tinh tối thiểu 12 vị trí/ngày với tần suất 02 giờ/lần các thông tin: vị trí tàu (kinh độ, vĩ độ), thời gian (phút/giờ/ngày/tháng/năm) đối với thiết bị lắp đặt trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên; cảnh báo cho thuyền trưởng khi tàu vượt qua ranh giới cho phép trên biển.

Tự động truyền bằng một trong các phương thức qua hệ thống thông tin vệ tinh, hệ thống thông tin di động GSM, hệ thống thông tin sóng mặt đất sử dụng các băng tần MF, HF, VHF tối thiểu 08 vị trí/ngày với tần suất 03 giờ/lần các thông tin: vị trí tàu (kinh độ, vĩ độ), thời gian (phút/giờ/ngày/tháng/năm) đối với thiết bị lắp đặt trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét; cảnh báo cho thuyền trưởng khi tàu vượt qua ranh giới cho phép trên biển;

c) Sai số tọa độ vị trí tàu cá nhận từ hệ thống định vị toàn cầu GPS hiển thị trên thiết bị giám sát hành trình tàu cá không quá 500 mét, độ tin cậy 99%;

d) Mỗi thiết bị phải có một mã nhận dạng độc lập;

đ) Phải đảm bảo hoạt động bình thường trong môi trường hoạt động trên biển theo tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam.

2. Tính năng phần mềm hệ thống giám sát tàu cá tại trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá:

a) Phần mềm tại trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá phải tương thích với các hệ điều hành Microsoft Windows, Android, IOS; có giao diện tiếng Việt trực quan. Quản lý toàn bộ thông tin tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình; cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương để kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá; quản lý được nhật ký khai thác, chống khai thác bất hợp pháp;

b) Giao diện phần mềm hiển thị vị trí tàu, thời gian, vận tốc, hướng di chuyển, tín hiệu báo động, thời gian cập nhật dữ liệu gần nhất, thông tin thời tiết, trạng thái hoạt động của thiết bị giám sát tàu cá, gửi thông tin đến thiết bị giám sát tàu cá;

c) Có chức năng truy cập, tìm kiếm, lập bảng biểu, báo cáo, thống kê các dữ liệu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát tàu cá, tạo khu vực để quản lý tàu và gửi cảnh báo tự động khi tàu ra/vào khu vực;

d) Kết nối, truyền dẫn thông tin với trung tâm dữ liệu đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá; phân cấp quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng dữ liệu giám sát tàu cá;

đ) Bản đồ điện tử được sử dụng phải thể hiện rõ được vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, các vùng cấm đánh bắt, các cảng cá do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cung cấp.

3. Quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu giám sát tàu cá:

a) Tổng cục Thủy sản thống nhất quản lý hệ thống giám sát tàu cá và dữ liệu giám sát tàu cá toàn quốc, quản trị hệ thống và phân cấp cho địa phương khai thác dữ liệu giám sát tàu cá, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên;

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu giám sát tàu cá của tỉnh, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét;

c) Tổ chức quản lý tàu cá tại các cảng cá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định và công bố được phép khai thác, sử dụng dữ liệu giám sát tàu cá từ hệ thống giám sát tàu cá theo phân quyền;

d) Đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá có trách nhiệm cập nhật, quản lý thông tin về tàu, chủ tàu, thiết bị giám sát tàu cá và tự động truyền về trung tâm dữ liệu giám sát hành trình tàu cá ở trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển, xử lý sự cố tín hiệu thiết bị giám sát tàu cá do đơn vị mình cung cấp. Sau khi lắp đặt thiết bị trên tàu cá, đơn vị cung cấp thiết bị phải thông báo đến Tổng cục Thủy sản và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cơ quan quản lý thực hiện kiểm tra việc lắp đặt thiết bị trên tàu cá. Báo cáo định kỳ hàng quý, 06 tháng, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá trước khi cung cấp thiết bị phải báo cáo và thông báo mẫu kẹp chì về Tổng cục Thủy sản để tổng hợp, thông báo công khai;

đ) Chủ tàu khai báo thông tin lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo Mẫu số 01.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP và gửi đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá để cập nhật vào cơ sở dữ liệu; trả chi phí mua, lắp đặt, bảo dưỡng và dịch vụ khác cho đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá; được cung cấp thông tin giám sát hành trình của tàu cá mình từ Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá khi có yêu cầu.

Chủ tàu phải lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá ở vị trí bảo đảm trạng thái hoạt động tốt nhất của thiết bị, có hướng dẫn lắp đặt thiết bị; có bảng hướng dẫn sử dụng (trên bảng có các thông tin tối thiểu: số điện thoại hỗ trợ 24 giờ/24 giờ, địa chỉ liên hệ của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá); thuyền trưởng có thể kiểm soát được các trạng thái hoạt động của thiết bị trực tiếp hoặc qua các phụ kiện. Thiết bị giám sát hành trình phải được đơn vị cung cấp thiết bị kẹp chì cố định trên tàu khi lắp đặt mới hoặc sau khi sửa chữa;

e) Lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá: Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên phải lắp trước ngày 01 tháng 7 năm 2019; đối với tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét phải lắp trước ngày 01 tháng 01 năm 2020; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét phải lắp trước ngày 01 tháng 4 năm 2020;

g) Thuyền trưởng phải bảo đảm thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24 giờ/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng. Trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng, thuyền trưởng phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác, báo cáo vị trí tàu cá về trung tâm giám sát tàu cá ở trung ương và 28 tỉnh, thành phố, ven biển 06 giờ/lần và phải đưa tàu về cảng để sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng;

h) Tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam phải lắp thiết bị giám sát hành trình đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, quản lý, sử dụng hệ thống và dữ liệu giám sát hành trình tàu cá quy định tại Điều này;

i) Dữ liệu giám sát hành trình tàu cá được sử dụng làm căn cứ pháp lý để quản lý hoạt động của tàu cá, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý các tranh chấp nghề cá trên biển, xác nhận, chứng nhận thủy sản từ khai thác.

4. Bảo mật dữ liệu:

a) Các dữ liệu được lưu giữ trong máy chủ của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá phải đảm bảo không bị xoá, không bị thay đổi trong suốt thời gian lưu trữ theo quy định;

b) Dữ liệu truyền dẫn giữa thiết bị giám sát hành trình tàu cá với máy chủ của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá phải được mã hóa để đảm bảo tính bảo mật thông tin trong quá trình truyền dẫn; dữ liệu từ máy chủ của trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá khi chuyển cho các cơ quan chuyên môn khác phải được mã hóa theo quy định;

c) Thời gian lưu trữ dữ liệu giám sát hành trình tàu cá tại máy chủ của trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá và đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá tối thiểu là 36 tháng; các máy chủ lưu trữ, xử lý dữ liệu của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá đều phải được đặt tại Việt Nam;

d) Đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá có trách nhiệm bảo mật dữ liệu, cung cấp dữ liệu chính xác; không được cung cấp dữ liệu giám sát tàu cá cho tổ chức, cá nhân khác khi chưa được chấp thuận của Tổng cục Thủy sản.

(Điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)

* Điều kiện khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam

1. Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận đối với tàu cá khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc cấp phép đối với khai thác thủy sản tại vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ có biển cho phép hoặc được tổ chức quản lý nghề cá khu vực cấp hạn ngạch cho Việt Nam;

b) Tàu cá có đủ điều kiện hoạt động; đã được đăng ký, có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực ít nhất 06 tháng; có đủ trang thiết bị an toàn cho người và tàu cá; thiết bị giám sát hành trình, thông tin liên lạc phù hợp;

c) Thuyền trưởng, máy trưởng phải có văn bằng hoặc chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp; thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có bảo hiểm, hộ chiếu; trên tàu hoặc một nhóm tàu phải có ít nhất một người biết sử dụng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ thông dụng của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu cá đến khai thác; không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật;

d) Đáp ứng điều kiện khác theo quy định của tổ chức nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

2. Tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, không vi phạm khai thác bất hợp pháp.

b) Có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

c) Có quan sát viên theo quy định của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc quốc gia ven biển.

d) Thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng quản lý nghề cá tại vùng biển quốc tế đối với trường hợp cấp giấy phép đi khai thác tại vùng biển do Tổ chức quản lý nghề cá khu vực quản lý.

đ) Tàu cá phải trang bị, lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc, hàng hải trên tàu cá bao gồm: Máy thu phát vô tuyến điện thoại sóng cực ngắn (VHF) có bộ phận gọi, chọn số và thu trực canh (DCS) trên kênh 70 hoặc 16; máy thu phát vô tuyến điện (MF/HF); máy thu tự động thông báo hàng hải và thời tiết (NAVTEX), phao chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB), thiết bị định vị vệ tinh (GPS).

e) Tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tự động truyền qua hệ thống thông tin vệ tinh.

(Điều 53 Luật Thủy sản 2017, Điều 46 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)

* Quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển Việt Nam

1. Đối với tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản:

a) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng;

b) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ;

c) Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi; tàu đăng ký tại tỉnh nào thì chỉ được hoạt động tại vùng ven bờ của tỉnh đó; trừ trường hợp có thỏa thuận về hoạt động tàu cá ở vùng ven bờ của Ủy ban nhân dân hai tỉnh.

2. Đối với tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản:

a) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi;

b) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi;

c) Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi.

3. Quy định về treo cờ:

a) Tàu cá Việt Nam phải treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết tắt là Quốc kỳ) ở đỉnh cột phía lái; đối với tàu không có cột phía lái thì Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột chính;

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê tàu cá của nước ngoài phải thực hiện treo cờ của Việt Nam theo quy định tại điểm a Khoản này.

(Điều 43 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)

* Quy định tàu cá nước ngoài vào cảng cá

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố danh sách cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài cập cảng cá và thông báo danh sách cảng được chỉ định cho Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc.

2. Tàu nước ngoài được cập cảng cá Việt Nam, trừ trường hợp tàu nước ngoài có tên trong Danh sách tàu khai thác thủy sản, vận chuyển, chuyển tải, hỗ trợ khai thác thủy sản bất hợp pháp. Tàu nước ngoài trước khi vào cảng cá Việt Nam phải thông báo trước 24 giờ cho tổ chức quản lý cảng cá theo Mẫu số 17.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

3. Tổ chức quản lý cảng cá phải thông qua cho cơ quan hải quan, biên phòng để thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh theo quy định; thông báo cho cơ quan quản lý về thủy sản của địa phương hoặc văn phòng thanh tra tại cảng để thực hiện kiểm tra, xác minh thông tin về nguồn gốc thủy sản, sản phẩm thủy sản trên tàu. Việc kiểm tra, xử lý được thực hiện theo khoản 3, 4, 5 và khoản 6 của Điều 70 Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

4. Sau khi các thông tin đã được thanh tra, kiểm tra, xác minh, Tổng cục Thủy sản thông báo ngay đến các quốc gia có liên quan đến con tàu và lịch trình di chuyển của tàu để xử lý theo quy định.

5. Tàu cá nước ngoài khi vào, rời hoặc neo, đậu trong vùng nước cảng cá Việt Nam phải treo Quốc kỳ Việt Nam trên đỉnh cột cao nhất của tàu và treo cờ quốc gia mà tàu đăng ký ở cột thấp hơn.

(Điều 49 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)

 

III. THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY KHAI THÁC THỦY SẢN BIỂN

Bước 1: Chuẩn bị thông tin thành lập doanh nghiệp

(1) Loại hình doanh nghiệp:

Tùy theo số lượng thành viên góp vốn, nhu cầu và mong muốn mà Doanh nghiệp sẽ chọn loại hình phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình. Hiện nay, có những loại hình doanh nghiệp như sau: Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn (1 thành viên hoặc 2 thành viên trở lên), công ty hợp danh và công ty cổ phần.

(2) Tên doanh nghiệp:

Doanh nghiệp lưu ý tên doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện sau:

a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

– Loại hình doanh nghiệp:

Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

– Tên riêng doanh nghiệp:

– Tên riêng doanh nghiệp: Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

b) Những điều cấm khi đặt tên Doanh nghiệp

– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

– Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

– Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định của luật doanh nghiệp, như sau:

+ Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-“, “_”;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;

+ Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

(Xem thêm quy định về đặt tên doanh nghiệp tại: Điều 37, 38, 39 Luật Doanh nghiệp, Điều 18, 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

(3) Địa chỉ trụ sở: Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có); Công ty có thể đặt địa chỉ trụ sở chính tại Nhà ở riêng lẻ hoặc Toà nhà văn phòng, Địa điểm được nhà nước phê duyệt có công năng thương mại (được phép kinh doanh).

Lưu ý: Trụ sở công ty không được đặt tại Nhà chung cư nếu Chung cư đó chỉ có chức năng để ở (tức không có chức năng kinh doanh).

(4) Vốn điều lệ: Khai thác thủy sản biển không phải là ngành nghề không yêu cầu vốn pháp định. Do đó, doanh nghiệp có thể tự do đăng ký kinh doanh mà không phải lo mức vốn tối thiểu và tối đa là bao nhiêu.

Lưu ý: Vốn điều lệ phải được góp đủ trong vòng 90 ngày kể từ ngày được Sở kế hoạch đầu tư cấp giấy phép Đăng ký kinh doanh. Trường hợp đối với công ty cổ phần, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên nếu Điều lệ công ty quy định mức thời hạn góp vốn ngắn hơn thì phải tuân theo quy định đã cam kết đó.

(5) Ngành nghề kinh doanh:

Doanh nghiệp có thể kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Doanh nghiệp căn cứ quyết định 27/2018/QĐ-TTg để lựa chọn và đăng ký mã ngành cấp 4 phù hợp với nhu cầu kinh doanh. Đối với ngành nghề kinh doanh Khai thác thủy sản biển thì doanh nghiệp đăng ký mã ngành:

0311 – 03110: Khai thác thủy sản biển

Nhóm này gồm:

– Đánh bắt cá;

– Đánh bắt động vật loại giáp xác và động vật thân mềm dưới biển;

– Đánh bắt cá voi;

– Đánh bắt các động vật khác sống dưới biển như: rùa, nhím biển…

– Thu nhặt các loại sinh vật biển dùng làm nguyên liệu như: Ngọc trai tự nhiên, hải miên, san hô và tảo;

– Khai thác giống thủy sản biển tự nhiên;

– Hoạt động bảo quản, sơ chế thủy sản ngay trên tàu đánh cá.

Loại trừ:

– Đánh bắt thú biển (trừ cá voi) như hà mã, hải cẩu được phân ở nhóm 01700 (Săn bắt, đánh bẫy và hoạt động dịch vụ có liên quan);

– Hoạt động khai thác yến ở hang đá, xây nhà gọi yến được phân vào nhóm 01700 (Săn bắt, đánh bẫy và hoạt động dịch vụ có liên quan);

– Chế biến và bảo quản thủy sản trên các tàu hoặc nhà máy chế biến được phân vào nhóm 1020 (Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản);

– Cho thuê tàu chở hàng trên biển kèm theo người lái (như tàu chở cá, tôm…) được phân vào nhóm 50121(Vận tải hàng hóa ven biển);

– Hoạt động thanh tra, kiểm tra và bảo vệ đội tàu đánh bắt trên biển được phân vào nhóm 84230 (Hoạt động an ninh, trật tự an toàn xã hội);

– Các hoạt động dịch vụ có liên quan đến môn thể thao câu cá hoặc câu cá giải trí được phân vào nhóm 93190 (Hoạt động thể thao khác);

– Đan, sửa lưới được phân vào nhóm 13940 (Sản xuất các loại dây bện và lưới);

– Sửa chữa tàu, thuyền đánh cá được phân vào nhóm 33150 (Sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác)).

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp

Thành phần hồ sơ thành lập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP bao gồm:

a) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu (tuỳ theo mỗi loại hình doanh nghiệp mà có mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp khác nhau);

b) Điều lệ công ty (áp dụng đối với loại hình công ty hợp danh, công ty TNHH, Công ty cổ phần)

c) Danh sách thành viên góp vốn hoặc Danh sách cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh);

d) Bản sao các giấy tờ sau đây:

– Giấy tờ pháp lý (CMND/ CCCD/ Hộ chiếu) của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật, chủ sở hữu của doanh nghiệp

– Giấy tờ pháp lý (CMND/ CCCD/ Hộ chiếu) của cá nhân đối với thành viên góp vốn công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý (Quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký́ doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác) của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền (Đối với trường hợp chủ sở hữu là tổ chức ủy quyền cho cá nhân quản lý phần vốn góp)

– Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

e) Giấy ủy quyền trong trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh

Bước 3: Nộp Hồ sơ

– Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng một trong hai cách sau:

+ Cách 1: Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

+ Cách 2: Nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia theo địa chỉ: dangkykinhdoanh.gov.vn

Bước 4: Nhận kết quả

Sau 3 ngày làm việc, phòng đăng ký kinh doanh sẽ trả kết quả xử lý hồ sơ. Nếu hồ sơ không hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo hướng dẫn doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ, doanh nghiệp sửa hồ sơ và nộp lại từ đầu. Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp liên hệ phòng đăng ký kinh doanh để nhận kết quả.

 

IV. THỦ TỤC LIÊN QUAN ĐẾN KHAI THÁC THỦY SẢN BIỂN

* Xin cấp Giấy phép khai thác thủy sản

(1) Thành phần hồ sơ

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác thủy sản bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 02.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP;

b) Bản chụp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với loại tàu cá theo quy định phải đăng kiểm;

c) Bản chụp văn bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá đối với loại tàu cá theo quy định phải có văn bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá.

(2) Cơ quan có thẩm quyền cấp phép:

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.

(3) Trình tự thủ tục

a) Tổ chức, cá nhân có yêu cầu gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh;

b) Trong thời hạn 06 ngày làm việc (đối với cấp mới), 03 ngày làm việc (đối với cấp lại) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thẩm quyền thực hiện cấp, cấp lại Giấy phép khai thác thủy sản theo Mẫu số 04.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Trong trường hợp không cấp, cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

(4) Thời hạn của Giấy phép khai thác thủy sản: Bằng thời hạn còn lại của hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đã được công bố.

(Điều 45 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)

* Xin chấp thuận cho tàu cá khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam hoặc cấp phép cho đi khai thác tại vùng biển thuộc thẩm quyền quản lý của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực

(1) Thành phần hồ sơ

a) Đơn đề nghị cấp văn bản chấp thuận theo Mẫu số 05.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP hoặc giấy đăng ký cấp phép theo Mẫu số 06.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP

b) Bản sao chứng thực và bản dịch ra tiếng Việt hợp đồng hợp tác khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia và lãnh thổ khác phê duyệt đối với trường hợp cấp văn bản chấp thuận;

c) Bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

d) Bản chụp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá;

đ) Danh sách, ảnh và số hộ chiếu của thuyền viên, người làm việc trên tàu cá;

e) Bản chụp bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng;

g) Giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng quản lý nghề cá tại vùng biển quốc tế đối với trường hợp cấp giấy phép đi khai thác chịu sự quản lý của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

(2) Cơ quan có thẩm quyền cấp phép: Tổng cục Thủy sản

(3) Trình tự thủ tục

Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp văn bản chấp thuận cho tàu cá khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, nếu không cấp văn bản chấp thuận hoặc không cấp phép, Tổng cục Thủy sản phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do; nếu hồ sơ đạt theo yêu cầu Tổng cục Thủy sản xem xét và cấp:

a) Văn bản chấp thuận theo Mẫu số 07.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP hoặc giấy phép theo Mẫu số 08.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP;

b) Danh sách thuyền viên và người làm việc trên tàu cá theo Mẫu số 09.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

(4) Lưu ý:

– Sau khi cấp văn bản chấp thuận hoặc giấy phép, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cấp, Tổng cục Thủy sản phải thông báo theo Mẫu số 10.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tàu đi khai thác thủy sản ở vùng biển Việt Nam và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao biết để phối hợp theo dõi và quản lý.

– Tổ chức, cá nhân khi nhận văn bản chấp thuận hoặc giấy phép và các giấy tờ có liên quan phải nộp cho Tổng cục Thủy sản bản chính Giấy phép khai thác thủy sản hoạt động trong vùng biển Việt Nam đã được cấp.

– Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận lại Giấy phép khai thác thủy sản, gửi đề nghị đến Tổng cục Thủy sản. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, Tổng cục Thủy sản trả lại Giấy phép khai thác thủy sản mà tổ chức, cá nhân đã nộp.

(Điều 46 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)

* Xin cấp Giấy phép đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam

(1) Thành phần hồ sơ

a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 11.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP;

b) Bản sao chứng thực các giấy tờ, văn bản quy định tại Điều 55 Luật Thủy sản;

c) Danh sách thuyền viên, người làm việc trên tàu cá theo Mẫu số 12.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

(2) Cơ quan có thẩm quyền cấp phép: Tổng cục Thủy sản

(3) Trình tự thủ tục

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động trong vùng biển Việt Nam gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc (đối với cấp mới), 07 ngày làm việc (đối với cấp lại) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Thủy sản cấp, cấp lại Giấy phép hoạt động thủy sản của tàu nước ngoài trong vùng biển Việt Nam theo Mẫu số 15.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP;

c) Trong thời hạn 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Thủy sản cấp gia hạn giấy phép hoạt động thủy sản của tàu nước ngoài trong vùng biển Việt Nam theo Mẫu số 16.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP;

d) Trường hợp không cấp, cấp lại, gia hạn Giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

(Điều 48 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)

 

V. NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

1. Các thủ tục nào phải làm sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?

Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được xem là hoàn thành nước đầu tiên trong việc thành lập công ty. Tuy nhiên, để công ty đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì công ty phải thực hiện các công việc ban đầu khi mới thành lập như sau:

– Khắc con dấu cho công ty;

– Treo biển tại trụ sở công ty;

– Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp

– Đăng ký chữ ký số điện tử thực hiện nộp thuế điện tử;

– Thực hiện thủ tục khai thuế ban đầu;

– Góp vốn đầy đủ đúng hạn trong thời hạn theo quy định của pháp luật.

2. Các loại thuế, lệ phí nhà nước phải đóng sau khi thành lập công ty?

– Lệ phí môn bài: Năm đầu tiên được miễn lệ phí môn bài. Thời hạn nộp lệ phí Môn bài chậm nhất ngày 30/1 hằng năm. Nếu Vốn điều lệ đăng ký dưới 10 tỷ thì lệ phí môn bài là 2.000.000 đồng/năm , trên 10 tỷ thì lệ phí môn bài phải nộp là 3.000.000 đồng/năm

– Thuế thu nhập doanh nghiệp: Tùy vào mức doanh thu, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, công ty sẽ phải đóng số thuế theo quy định pháp luật.

Thuế thu nhập doanh nghiệp = (Doanh thu tính thuế –  tất cả các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ, hợp pháp của doanh nghiệp) x Thuế suất 20% (hoặc tuỳ hàng hoá/dịch vụ kinh doanh có được ưu đãi thuế suất doanh nghiệp hay không thì có thể có thuế suất thấp hơn 20%).

– Thuế giá trị gia tăng: Là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế suất GTGT đối với các ngành nghề có các mức 0%, 5%, 8%, 10% hoặc không chịu thuế tùy thuộc vào loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp.

 

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan