12

Th1

TỶ LỆ PHIẾU BIỂU QUYẾT TRONG CÔNG TY TNHH HAI THÀNH VIÊN TRỞ LÊN

Trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của công ty, bao gồm tất cả thành viên công ty là cá nhân và người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức. Quyền quyết định của Hội đồng thành viên được thể hiện thông qua cuộc họp Hội đồng thành viên và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Hội đồng thành viên. Vậy tỷ lệ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Hội đồng thành viên được quy định như thế nào?

I. ĐIỀU KIỆN TIẾN HÀNH CUỘC HỌP HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty sẽ quy định kỳ họp Hội đồng thành viên, nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần. Trong đó, cuộc họp hội đồng thành viên sẽ được triệu tập theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc theo yêu cầu của thành viên, nhóm thành viên sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo Điều lệ công ty quy định. Điều kiện để cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành được quy định như sau:

(1) Trường hợp 1: Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu từ 65% vốn điều lệ trở lên; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

(2) Trường hợp 2: Trường hợp cuộc họp Hội đồng thành viên lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại trường hợp 1 nêu trên và Điều lệ công ty không có quy định khác thì cuộ họp Hồi đồng thành viên sẽ được tiến hành nếu:

– Có thông báo mời họp lần thứ hai được gửi đến các thành viên trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất.

– Có số thành viên dự họp sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở lên;

(3) Trường hợp 3: Nếu đã triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên lần thứ hai mà không đủ điều kiện tiến hành theo trường hợp 2 nêu trên thì cuộc họp hội đồng thành viên sẽ được tiến hành khi

có thông báo mời họp lần thứ ba được gửi đến các thành viên trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ hai. Cuộc họp Hội đồng thành viên lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc số thành viên dự họp và số vốn điều lệ được đại diện bởi số thành viên dự họp.

(Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 55, khoản 1 Điều 57 và Điều 58 Luật Doanh nghiệp 2020)

II. TỶ LỆ BIỂU QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ TRONG CUỘC HỌP HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN

Việc biểu quyết các vấn đề trong cuộc họp Hội đồng thành viên sẽ được thể hiện thông qua ba hình thức, bao gồm: Biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định, trong đó:

(i) Đối với biểu quyết tại cuộc họp

Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì nghị quyết, quyết định về các vấn đề sau đây phải được thông qua bằng biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên:

– Sửa đổi, bổ sung nội dung Điều lệ công ty;

– Quyết định phương hướng phát triển công ty;

– Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

– Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;

– Tổ chức lại, giải thể công ty.

Trong trường hợp này, nếu điều lệ công ty không có quy định một tỷ lệ biểu quyết khác thì tỷ lệ biểu quyết để thông qua các vấn đề trên tại cuộc họp được xác định như sau:

– Được các thành viên dự họp sở hữu từ 65% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp trở lên biểu quyết tán thành.

– Riêng đối với các vấn đề về: Quyết định bán tài sản có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty thì phải được các thành viên dự họp sở hữu từ 75% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp trở lên  biểu quyết tán thành.

(ii) Đối với biểu quyết thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản

Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản khi được số thành viên sở hữu từ 65% vốn điều lệ trở lên tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

(iii) Đối với biểu quyết bằng hình thức khác do Điều lệ công ty quy định

Tỷ lệ biểu quyết bằng hình thức khác do Điều lệ công ty quy định thì thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

(Cơ sở pháp lý: Điều 59 Luật Doanh nghiệp 2020)

Như vậy, về phía Luật Doanh nghiệp, tỷ lệ biểu quyết để thông qua từng vấn đề trong cuộc họp Hội đồng thành viên đã được luật quy định rõ ràng. Tuy nhiên cần lưu ý, đây không phải là tỷ lệ tối thiểu ấn định mà doanh nghiệp buộc phải tuân thủ theo, tỷ lệ này chỉ áp dụng trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định một tỷ lệ khác. Tức doanh nghiệp được quyền quy định một tỷ lệ khác lớn hơn hoặc nhỏ hơn tỷ lệ biểu quyết theo quy định trên tại Điều lệ công ty. Riêng đối với việc biểu quyết bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì Điều lệ công ty được quy định một tỷ lệ khác nhưng phải đảm bảo tỷ lệ phiếu biểu quyết tán thành phải từ 65% vốn điều lệ trở lên.

III. HIỆU LỰC NGHỊ QUYẾT, QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN

Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua hoặc từ ngày có hiệu lực được ghi tại nghị quyết, quyết định đó.

Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua bằng 100% tổng số vốn điều lệ là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả trong trường hợp trình tự và thủ tục thông qua nghị quyết, quyết định đó không được thực hiện đúng quy định.

Trường hợp thành viên, nhóm thành viên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết, quyết định đã được thông qua thì nghị quyết, quyết định đó vẫn có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua hoặc từ ngày có hiệu lực được ghi tại nghị quyết, quyết định đó, cho đến khi có quyết định hủy bỏ của Tòa án hoặc Trọng tài có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan