03

Th6

Ngừng việc vì giãn cách xã hội, phong tỏa, Người lao động có được trả lương?

Dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp khiến một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 16, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người lao động. Dịch tấn công trực tiếp vào các khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, sử dụng số lượng lớn lao động, nhất là tại các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh… Nhiều DN phải đóng cửa, người lao động tạm thời bị mất việc làm. Vậy trong thời gian giãn cách này, người lao động có được trả lương hay không?

Theo Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương ngừng việc như sau:

“3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.”

Như vậy, trong trường hợp người lao động đang làm việc bình thường mà phải ngừng việc do cách ly vì dịch bệnh (không do lỗi của người lao động hoặc người sử dụng lao động) thì Các bên thoả thuận lương ngừng việc nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng  Chính phủ quy định trong trường hợp thời gian ngừng việc thấp hơn 14 ngày và 14 ngày đầu tiên đối với trường hợp thời gian ngừng việc trên 14 ngày, mức lương ngừng việc của các ngày còn lại (trên 14 ngày) do các bên thỏa thuận phù hợp theo quy định của pháp luật. 

Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 (áp dụng theo Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP):

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I: 4.420.000 đồng/tháng.

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II: 3.920.000 đồng/tháng.

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III: 3.430.000 đồng/tháng.

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng.

Đặc biệt, theo khoản 2 Điều 129 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu nghỉ làm vì cách ly mà ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, thậm chí là gây thiệt hại thì người lao động cũng không phải bồi thường.

Bên cạnh đó, Người sử dụng lao động được quyền thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu chứng minh được do nguyên nhân Dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của Công ty, dẫn đến việc công ty gặp tổn thất nặng nề nếu tiếp tục sử dụng lao động hiện tại, mặc dù đã tìm mọi cách khắc phục nhưng buộc phải cắt giảm lao động. Cụ thể như sau:

Theo điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019:

“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;”

Tuy nhiên, trước khi chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải báo cho người lao động biết trước:

-Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

-Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

-Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Trên đây là ý kiến tư vấn sơ bộ của Luật 3S dựa trên quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm tư vấn. Để được tư vấn chi tiết, giải quyết cho từng trường hợp cụ thể, quý khách hàng vui lòng gọi hotline: 0363.38.34.38 hoặc gửi email: info.luat3s@gmail.com để được Luật sư tư vấn chi tiết.

 

 

 

Tin tức liên quan