06

Th1

TÌNH HÌNH ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP THÁNG 12 VÀ NĂM 2020

I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2020

Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2020 đã chịu ảnh hưởng từ những tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng tới các quốc gia trên thế giới, khiến kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm; thương mại, đầu tư, du lịch đình trệ. Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ Đại dịch này.

Trong bối cảnh hết sức khó khăn, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời ban hành các kết luận, nghị quyết, chỉ thị với phương châm “chống dịch như chống giặc”; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả; vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế – xã hội. Việc kiến tạo môi trường thuận lợi để giúp cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi và vươn lên, lấy lại động lực phát triển trong trạng thái “bình thường mới” là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô năm nay. Thời gian qua, hàng loạt biện pháp quyết liệt để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư… đã được triển khai. Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng được đẩy mạnh với nhiều bước tiến mang tính đột phá, bao gồm việc ký kết và đưa vào thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương có chất lượng như EVFTA, CPTPP, RCEP. Sau 3 tháng hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 5%, bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được thực thi đúng hướng và phù hợp, được nhân dân cả nước đồng tình, cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tình hình dịch bệnh ở nước ta vẫn được kiểm soát tốt, qua đó tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng như mang lại những kỳ vọng lạc quan về sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta trong năm 2021. Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance, Việt Nam nổi lên là “thiên đường” sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đều dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong nhóm các nước Đông Nam Á năm 2020. Báo cáo “Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15/9/2020 cũng nhận định triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn rất tích cực. Thị trường chứng khoán trong nước cũng có phản hồi tích cực khi chỉ số VN-Index ngày 23/12/2020 đạt mốc 1.090 điểm (mốc cao nhất trong 03 năm trở lại đây). Ngoài ra, việc Hoa Kỳ tiếp tục duy trì chính sách hàng rào thuế quan với Trung Quốc cũng được đánh giá là có tác động tích cực lên kinh tế Việt Nam, giúp cho nền kinh tế nước ta có thêm cơ hội mới

Có thể nói, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, song các thông tin, nhận định tích cực đã mang lại niềm tin về triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, sức chống chịu còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 cũng có những kết quả đáng ghi nhận: quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục được mở rộng; số doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động có sự gia tăng sau thời điểm thực hiện giãn cách xã hội…

Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2020 có sự giảm sút nhẹ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới với 134.941 doanh nghiệp, giảm 2,3% so với năm 2019. Mặc dù vậy, đây cũng là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng toàn diện đến đời sống kinh tế xã hội như năm nay.

Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2020 đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm 2019. Điều này cho thấy mặc dù gặp phải nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục có xu hướng tăng lên.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2020 là 5.577.570 tỷ đồng (tăng 39,3% so với năm 2019), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 2.235.626 tỷ đồng (tăng 29,2% so với năm 2019) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động là 3.341.944 tỷ đồng (tăng 47% so với năm 2019) với 39.476 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn. Số vốn đăng ký tăng thêm đã cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp đang hoạt động về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 là 1.042.995 lao động, giảm 16,9% so với năm 2019.

– Phân theo lĩnh vực hoạt động:

Có 12/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với năm 2019, trong đó chủ yếu vẫn là các ngành chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 là: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 33,6%); Hoạt động dịch vụ khác (giảm 31,1%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 22%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 17,7%); Kinh doanh bất động sản (giảm 15,4%) và Giáo dục và đào tạo (giảm 9,5%).

Ở xu hướng ngược lại, 05 ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký trong năm 2020 tăng so với năm 2019 là: Sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 5.794 doanh nghiệp (tăng 243%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 2.640 doanh nghiệp (tăng 30,1%); Khai khoáng có 684 doanh nghiệp (tăng 4,9%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác có 11.527 doanh nghiệp (tăng 1,4%) và Xây dựng có 17.080 doanh nghiệp (tăng 0,4%).

Sự tăng trưởng với tỉ lệ cao của số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở các ngành kinh doanh này một phần do đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu. Thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro hơn, đồng thời ngành nghề xây dựng có chiều hướng gia tăng khi giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ được tập trung phát triển, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh

– Phân theo địa bàn:

Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 55.850 doanh nghiệp (chiếm 41,4% cả nước) và số vốn đăng ký là 1.299.749 tỷ đồng (chiếm 58,1% cả nước). Tiếp đó là Đồng bằng Sông Hồng với 39.724 doanh nghiệp (chiếm 29,4% cả nước) và số vốn đăng ký là 512.400 tỷ đồng (chiếm 22,9% cả nước). Tây Nguyên là khu vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với năm 2019 với 4.849 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 34,7% so với năm 2019, chiếm 3,6% cả nước) và số vốn đăng ký là 59.868 tỷ đồng (tăng 32,7% so với năm 2019, chiếm 2,7% cả nước).

– Phân theo quy mô vốn:

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở hầu hết các quy mô vốn đều giảm, ngoại trừ số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 20 – 50 với 3.959 doanh nghiệp (chiếm 2,9%, tăng 0,4% so với năm 2019). Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 119.980 doanh nghiệp (chiếm 88,9%, giảm 2% so với năm 2019). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng là 7.503 doanh nghiệp (chiếm 5,6%, giảm 6% so với năm 2019); ở quy mô từ; quy mô vốn từ 50 – 100 tỷ đồng là 1.763 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, giảm 6,9% so với năm 2019) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 1.736 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, giảm 10,7% so với năm 2019).

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 nay là 44.096 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm 2019.

Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong năm 2020 tăng trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.849 doanh nghiệp, chiếm 35,9%, tăng 3,7% so với năm 2019); Xây dựng (6.545 doanh nghiệp, chiếm 14,8%, tăng 6,6% so với năm 2019); Công nghiệp chế biến, chế tạo (5.369 doanh nghiệp, chiếm 12,2%, tăng 16,1% so với năm 2019); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (2.860 doanh nghiệp, chiếm 6,5%, tăng 18,1% so với năm 2019); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.576 doanh nghiệp, chiếm 5,8%, tăng 24,6% so với năm 2019); Vận tải kho bãi (2.455 doanh nghiệp, chiếm 5,6%, tăng 18,3% so với năm 2019); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (2.357 doanh nghiệp, chiếm 5,3%, tăng 32,9% so với năm 2019); Kinh doanh bất động sản (1.177 doanh nghiệp, chiếm 2,7%, tăng 31,4% so với năm 2019); Giáo dục và đào tạo (952 doanh nghiệp, chiếm 2,2%, tăng 30,6% so với năm 2019); Hoạt động dịch vụ khác (533 doanh nghiệp, chiếm 1,2%, tăng 39,2% so với năm 2019).

Đây là tín hiệu tích cực cho thấy mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng hầu hết các lĩnh vực đã có dấu hiệu phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã tìm được hướng kinh doanh mới, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch, lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới thì thị trường trong nước với gần 100 triệu dân chính là cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi, là động lực chính cho sản xuất, phát triển kinh tế.

2.Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong năm 2020, có 101.719 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019, bao gồm: 46.592 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 37.663 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 17.464 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Bảng 1 – Số vốn và số lao động đăng ký của các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 12/2020 và cả năm 2020

Tháng 12/2020 Cả năm 2020
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn Vốn (tỷ đồng) 16.529 333.723
Lao động (người) 16.079 333.638
Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể Vốn (tỷ đồng) 41.195 667.662
Lao động (người) 65.043 319.499
Doanh nghiệp giải thể Vốn (tỷ đồng) 17.725 228.266
Lao động (người) 14.659 176.893

2.1. Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 

Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong năm 2020 là 46.592 doanh nghiệp, tăng 62,2% so với năm 2019. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng cao so với năm 2019 cho thấy sự ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động  dưới 1 năm là 1.417 doanh nghiệp (chiếm 3%); từ 1 đến dưới 5 năm là 22.414 doanh nghiệp (chiếm 48,1%); từ 5 đến dưới 10 năm là 12.626 doanh nghiệp (chiếm 27,1%) và từ 10 năm trở lên là 10.135 doanh nghiệp (chiếm 21,8%).

So với năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với năm 2019 là: Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (17.361 doanh nghiệp, tăng 56,2%); Xây dựng (6.412 doanh nghiệp, tăng 54,8%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.897 doanh nghiệp, tăng 86,5%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (2.879 doanh nghiệp, tăng 69,2%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (2.818 doanh nghiệp, tăng 87,6%); Kinh doanh bất động sản (1.325 doanh nghiệp, tăng 121,6%); Giáo dục và đào tạo (878 doanh nghiệp, tăng 89,6%); Hoạt động dịch vụ khác (610 doanh nghiệp, tăng 79,9%) và Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (350 doanh nghiệp, tăng 73,3%). Đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19.

Có thể thấy, ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này. Trong năm 2020, một số lĩnh vực diễn ra sự thanh lọc mạnh mẽ, thể hiện ở số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong ngắn hạn và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 gần tương đương như: số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của lĩnh vực Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy là 17.361 doanh nghiệp trong khi số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của lĩnh vực này là 15.849 doanh nghiệp; tương tự với lĩnh vực Xây dựng, có 6.412 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 6.545 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động… Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong năm 2020 cũng có sự chênh lệch không nhiều (44.096 và 46.592).

Phân theo địa bàn, tất cả các vùng lãnh thổ đều tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất với 16.527 doanh nghiệp (chiếm 35,5%, tăng 73,6% so với năm 2019); tiếp đến là Đồng bằng Sông Hồng với 16.062 doanh nghiệp (chiếm 34,5% cả nước, tăng 57,7% so với năm 2019).

Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng ở tất cả quy mô vốn, cụ thể: doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 42.415 doanh nghiệp (chiếm 91%, tăng 60% so với năm 2019). Ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng có 2.296 doanh nghiệp (chiếm 4,9%, tăng 81,5% so với năm 2019); từ 20 – 50 tỷ đồng có 1.211 doanh nghiệp (chiếm 2,6%, tăng 102,2% so với năm 2019); từ 50 – 100 tỷ đồng có 410 doanh nghiệp (chiếm 0,9%, tăng 80,6% so với năm 2019) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 260 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 97% so với năm 2019).

2.2. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể

Trong năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 37.663 doanh nghiệp, giảm 13,8% so với năm 2019.

So với năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể giảm ở 13/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (13.953 doanh nghiệp, chiếm 37%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.276 doanh nghiệp, chiếm 11,4%); Xây dựng (4.141 doanh nghiệp, chiếm 11%).

Đông Nam Bộ là khu vực có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất (15.360 doanh nghiệp, chiếm 40,8%); tiếp đến là khu vực Đồng bằng sông Hồng (7.976 doanh nghiệp, chiếm 21,2%) và khu vực Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung (6.605 doanh nghiệp, chiếm 17,5%).

Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động chờ giải thể giảm ở 4/5 quy mô vốn và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 33.931 doanh nghiệp (chiếm 90,1%, giảm 14,7% so với năm 2019); từ 10 – 20 tỷ đồng có 1.857 doanh nghiệp (chiếm 4,9%, tăng 0,4% so với năm 2019); từ 20 – 50 tỷ đồng có 1.016 doanh nghiệp (chiếm 2,7%, giảm 10,1% so với năm 2019); từ 50 – 100 tỷ đồng có 440 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, giảm 8,5% so với năm 2019) và trên 100 tỷ đồng có 419 doanh nghiệp (chiếm 1,1%, giảm 14,5% so với năm 2019).

2.3. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2020 là 17.464 doanh nghiệp, tăng 3,7% so với năm 2019.

Trong năm 2020, đa số doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động ngắn, cụ thể: Số doanh nghiệp đã giải thể có thời gian hoạt động dưới 1 năm là 1.004 doanh nghiệp (chiếm 5,7%); từ 1 đến dưới 5 năm là 10.558 doanh nghiệp (chiếm 60,5%); từ 5 năm đến dưới 10 năm là 3.392 doanh nghiệp (chiếm 19,4%) và từ 10 năm trở lên là 2.510 doanh nghiệp (chiếm 14,4%).

10/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với năm 2019 là Sản xuất phân phối, điện, nước, gas; Kinh doanh bất động sản và Giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 60,9%; 42,6% và 32,8%.

Phân theo vùng lãnh thổ, 03 vùng có số lượng doanh nghiệp giải thể trong năm 2020 tăng so với năm 2019 là: Đông Nam Bộ (7.704 doanh nghiệp, tăng 20,7%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (2.839 doanh nghiệp, tăng 11,7%) và Đồng bằng sông Hồng (3.836 doanh nghiệp, tăng 8,7%).

Phân theo quy mô vốnsố lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể đều ghi nhận tăng ở tất cả các quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 15.435 doanh nghiệp (chiếm 88,4%, tăng 1,3% so với năm 2019). Ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng có 1.023 doanh nghiệp (chiếm 5,9%, tăng 35,9% so với năm 2019); từ 20 – 50 tỷ đồng có 496 doanh nghiệp (chiếm 2,8%, tăng 12% so với năm 2019); Ở quy mô vốn từ 50 – 100 tỷ đồng có 244 doanh nghiệp (chiếm 1,4%, tăng 22,6% so với năm 2019) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 266 doanh nghiệp (chiếm 1,5%, tăng 25,5% so với năm 2019).

Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài. Do vậy, trong thời gian tới, để có thể giảm số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần hoạch định và thực thi có hiệu quả các chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các đối tượng này, đồng thời gia hạn các gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

II.Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 12/2020

1.Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 12/2020 là 10.689 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 356.771 tỷ đồng, giảm 6,4% về số doanh nghiệp và tăng 129% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019, giảm 18,4% về số doanh nghiệp và tăng 25,3% về vốn đăng ký so với tháng 11/2020. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 12/2020 là 73.012 người, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 39% so với tháng 11/2020. Nếu so sánh với tháng 4/2020 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội ở nước ta), số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký và số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tăng lần lượt 35,6%, 280,1% và 1,4%.

Doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 12/2020 chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (3.617 doanh nghiệp, chiếm 33,8%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (1.299 doanh nghiệp, chiếm 12,2%); Xây dựng (1.338 doanh nghiệp, chiếm 12,5%)… Số vốn đăng ký mới tập trung chủ yếu ở các ngành, lĩnh vực: Kinh doanh bất động sản (190.376 tỷ đồng, chiếm 53,4%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (65.464 tỷ đồng, chiếm 18,3%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (29.450 tỷ đồng, chiếm 8,3%); Xây dựng (14.417 tỷ đồng, chiếm 4%)

Bảng 2 – Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 12/2020 phân theo ngành, lĩnh vực

STT NGÀNH NGHỀ SỐ LƯỢNG VỐN LAO ĐỘNG
1 Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy 3.617 29.450 16.323
2 Công nghiệp chế biến, chế tạo 1.299 65.464 24.444
3 Dịch vụ lưu trú và ăn uống 441 2.053 2.434
4 Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác 502 4.290 2.415
5 Giáo dục và đào tạo 291 1.473 1.344
6 Hoạt động dịch vụ khác 111 273 406
7 Khai khoáng 65 1.624 501
8 Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác 866 13.090 4.176
9 Kinh doanh bất động sản 607 190.376 3.866
10 Nghệ thuật, vui chơi và giải trí 90 470 403
11 Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản 199 4.840 1.440
12 Sản xuất phân phối, điện, nước, gas 317 11.169 1.959
13 Thông tin và truyền thông 282 1.192 1.746
14 Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 109 11.730 547
15 Vận tải kho bãi 480 3.035 2.287
16 Xây dựng 1.338 14.417 7.654
17 Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 75 1.825 1.067

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Tháng 12/2020 ghi nhận 5.358 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, cao nhất kể từ tháng 2/2020, tăng 54,6% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 0,8% so với tháng 11/2020 và tăng 40,6% so với tháng 4/2020.

Bảng 3 – Tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 12/2020 phân theo ngành, lĩnh vực

STT NGÀNH NGHỀ SỐ LƯỢNG
1 Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy 1.853
2 Công nghiệp chế biến, chế tạo 634
3 Dịch vụ lưu trú và ăn uống 309
4 Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác 280
5 Giáo dục và đào tạo 119
6 Hoạt động dịch vụ khác 64
7 Khai khoáng 50
8 Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác 343
9 Kinh doanh bất động sản 137
10 Nghệ thuật, vui chơi và giải trí 58
11 Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản 129
12 Sản xuất phân phối, điện, nước, gas 50
13 Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 49
14 Thông tin và truyền thông 129
15 Vận tải kho bãi 306
16 Xây dựng 823
17 Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 25

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 12/2020 tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (1.853 doanh nghiệp, chiếm 34,6%); Xây dựng (823 doanh nghiệp, chiếm 15,4%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (634 doanh nghiệp, chiếm 11,8%)…

2.Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong tháng 12/2020, có 9.691 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (giảm 7% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 5,5% so với tháng 11/2020 và tăng 33,4% so với tháng 4/2020), trong đó: 2.251 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 5.419 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể và 2.021 doanh nghiệp giải thể.

Bảng 4 – Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tháng 12/2020 phân theo ngành, lĩnh vực

STT NGÀNH NGHỀ Tạm ngừng kinh doanh có thời hạn Tạm ngừng hoạt động không đăng ký chờ giải thể Giải thể
1 Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy 816 2.009 770
2 Công nghiệp chế biến, chế tạo 307 591 221
3 Dịch vụ lưu trú và ăn uống 142 293 124
4 Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác 141 267 91
5 Giáo dục và đào tạo 31 137 56
6 Hoạt động dịch vụ khác 29 87 28
7 Khai khoáng 19 33 24
8 Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác 138 341 120
9 Kinh doanh bất động sản 58 247 92
10 Nghệ thuật, vui chơi và giải trí 11 41 39
11 Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản 25 107 48
12 Sản xuất phân phối, điện, nước, gas 27 119 46
13 Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 20 72 30
14 Thông tin và truyền thông 41 146 48
15 Vận tải kho bãi 128 297 81
16 Xây dựng 313 596 190
17 Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 5 36 13

2.1. Tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn

Tháng 12, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 2.251. Mặc dù số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong ngắn hạn tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, con số này đã thấp hơn so với các tháng trước đó, cụ thể: tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 18,8% so với tháng 11/2020 và giảm 45,4% so với tháng 4/2020, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Đây là một trong những phản hồi tích cực đến từ cộng đồng doanh nghiệp sau những tác động của dịch bệnh trong thời gian vừa qua.

Trong số 2.251 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Bán buôn, bán lẻ là các doanh nghiệp có tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh cao nhất (816 doanh nghiệp, chiếm 36,3%). Điều này có thể hiểu được, do tác động tác động của đại dịch Covid, ngành bán buôn, bán lẻ gặp nhiều khó khăn như sức mua giảm, thay đổi trong hành vi tiêu dùng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Đồng thời, đây cũng là lĩnh vực doanh nghiệp có thể dễ dàng gia nhập và rút lui khỏi thị trường.

2.2. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể trong tháng 12/2020 là 5.419 doanh nghiệp, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 21,2% so với tháng 11/2020; Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2.021 doanh nghiệp, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 4,1% so với tháng 11/2020.

Số liệu về doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và giải thể tăng lên thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

 

Trả lời

Tin tức liên quan