14

Th6

Những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện theo Luật doanh nghiệp hiện hành và mức xử phạt tương ứng đối với các hành vi

Pháp luật về doanh nghiệp Việt Nam đã quy định các hành vi bị cấm trong kinh doanh nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng như đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp. Dưới đây là tổng hợp các hành vi bị nghiêm cấm cũng như mức phạt theo quy định mà các Doanh nghiệp và những đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp cần lưu ý:

1.ĐỐI VỚI CƠ QUAN ĐĂNG KÝ KINH DOANH VÀ CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN

Căn cứ theo Điều 16, Luật doanh nghiệp 2020 nghiêm cấm cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan liên quan thực hiện các hành vi sau:

1.Hành vi cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm giấy tờ khác trái với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Tùy từng trường hợp về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp mà Luật doanh nghiệp quy định những giấy tờ liên quan đề thực hiện thủ tục đó. Các cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan liên quan không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp cung cấp những giấy tờ khác trái với quy định của luật này.

Tuy nhiên cần lưu ý, Luật doanh nghiệp 2020 cho phép Cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 17.

2.Hành vi gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu người thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Luật doanh nghiệp quy định cụ thể thời gian, trình tự các thủ tục, vấn đề liên quan đến họat động của doanh nghiệp. Theo đó, các hồ sơ hợp lệ phải được các cơ quan xử lý đúng thời hạn, trường hợp từ chối phải ra thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do, hoặc thông báo hướng dẫn, không được có các hành vi như gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu người thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

3.Hành vi ngăn cản chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Luật doanh nghiệp quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông trong doanh nghiệp doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể này còn có thể được quy định thêm trong Điều lệ Công ty. Theo đó, cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc bất kỳ cơ quan có liên quan khác không được phép ngăn cản các chủ thể này thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ. Chẳng hạn như:

– Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

– Quyền và nghĩa vụ về góp đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty

-Quyền chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty

-Quyền quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty

-….

2.ĐỐI VỚI DOANH  NGHIỆP

1.Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp đang bị tạm dừng hoạt động kinh doanh.

Đối với các hành vi tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể bị Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đồng thời, Buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm.

Đối với hành vi Tiếp tục kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi có yêu cầu tạm dừng của cơ quan đăng ký kinh doanh có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

2.Hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể bị xử phạt về “Vi phạm quy định về kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp” theo Điều 24 Nghị định 50/2016/NĐ-CP như sau:

1.Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

2.Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.

3.Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.

Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP:

“Điều 28. Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế;

Biện pháp khắc phục hậu quả:

c) Buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này;

d) Buộc định giá lại tài sản góp vốn và đăng ký vốn Điều lệ phù hợp với giá trị thực tế của tài sản góp vốn đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này;

Như vậy, đối với việc công ty khai khống vốn điều lệ hoặc không góp đu vốn điều lệ như đã đăng ký. Khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra hành vi này, công ty sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra doanh nghiệp buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp.

Đối với hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị sẽ bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, buộc định giá lại tài sản đăng ký góp vốn và điều chỉnh vốn điều lệ phù hợp với thực tế.

4.Kinh doanh các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động.

Các ngành nghề cấp đầu tư kinh doanh được quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020 bao gồm các ngành nghề sau:

Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

g) Kinh doanh pháo nổ;

h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Ngành, nghề được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định như sau:

Cụ thể, theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và hạn chế về tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó được quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư.

Trong đó, ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài gồm 25 ngành nghề, lĩnh vực chưa được tiếp cận thị trường, như: Kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại; Hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức; Đánh bắt hoặc khai thác hải sản; Dịch vụ điều tra và an ninh…; 59 ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện, như: Cung cấp dịch vụ phát thanh và truyền hình; Bảo hiểm; ngân hàng; kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ khác liên quan đến bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán; Dịch vụ bưu chính, viễn thông; Dịch vụ quảng cáo…

Bên cạnh đó, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng theo các hình thức quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư và được đăng tải, cập nhật theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

Ngoài điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề quy định tại Nghị định này, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện (nếu có) sau đây: Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản; Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước; sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản; áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ; tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Như vậy, các doanh nghiệp chỉ được kinh doanh các ngành, nghề được tiếp cận thì trường và hạn chế tiếp cận thi trường nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư 2020

Điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề này chính là các yêu cầu từ phía cơ quan quyền lực nhà nước buộc các doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện được thể hiện cụ thể trên giấy phép kinh doanh (mã ngành, nghề), giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.

Mức phạt:

Theo Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (có hiệu lực 15/10/2020) quy định về hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như sau:

Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Như vậy, đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh phạt tiền tối đa 80 triệu đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm mức phạt tối đa là 160 triệu đồng (Khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP).

Ngoài ra, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trên.

5.Hành vi lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Doanh nghiệp thực hiện hành vi lừa đảo có thể hiểu là hành vi lừa đối khách hàng, có thể bị tủy tố trách nhiệm hình sự nếu đủ căn cứ quy định về” Tội lừa dối khách hàng” mức phạt có thể từ phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015

Đối với doanh nghiệp thực hiện hành vi rửa tiền có thể cấu thành “Tội rửa tiền” đã được Bộ Luật hình sự 2015 quy định cụ thể tại Điều 324. Theo đó, tùy theo mức độ vi phạm, khung hình phạt đối pháp nhân thì có thể bị phạt số tiền lên đến 5.000.000.000 cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Ngoài ra, căn cứ Điều 46 Nghị định 88/2019/NĐ-CP có quy định hình thức và mức phạt tiền khi vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố như sau:

1.Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố.

2.Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả;

b) Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác.

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Thiết lập và duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng được thành lập tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhưng không có sự hiện diện hữu hình tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó và không chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền;

c) Không tố giác hành vi tài trợ khủng bố;

d) Lợi dụng việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến tài trợ khủng bố để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, khoản 3 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trên đây là ý kiến tư vấn sơ bộ của Luật 3S dựa trên quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm tư vấn. Để được tư vấn chi tiết, giải quyết cho từng trường hợp cụ thể, quý khách hàng vui lòng gọi hotline: 0363.38.34.38 hoặc gửi email: info.luat3s@gmail.com để được Luật sư tư vấn chi tiết.

 

Tin tức liên quan