17

Th3

Những tranh chấp nào bắt buộc phải qua hoà giải

Trong cuộc sống, khi mà xảy ra một tranh chấp bất kỳ, thì các bên tranh chấp sẽ tiến hành các phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích giữa các bên. Trong đó, phương thức hòa giải là phương thức thường được các bên lựa chọn trước khi đi đến các phương thức khác như là khởi kiện tại Tòa. Vậy, trường hợp nào mà các bên bắt buộc phải tiến hành hòa giải tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật? Mời các bạn đọc cùng tham khảo bài viết sau đây để biết thêm chi tiết về vấn đề này.

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật tố tụng dân sự 2015

– Bộ luật Lao động 2019

– Luật đất đai 2013

– Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

– Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án

II. HÒA GIẢI LÀ GÌ?

Hòa giải là phương thức để các bên tự nguyện thương lượng với nhau dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện của bên thứ ba trung gian để đạt được thỏa thuận và giải quyết tranh chấp. Có nhiều hình thức hòa giải khác nhau và thường được chia thành 02 loại là hòa giải trong tố tụng và hòa giải ngoài tố tụng.

+ Hòa giải trong tố tụng là hòa giải do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện trong quá trình giải quyết vụ việc theo thẩm quyền và tuân theo thủ tục tố tụng.

+ Hòa giải ngoài tố tụng là hòa giải là hòa giải do các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tiến hành và không tuân theo thủ tục tố tụng, trong đó phổ biến nhất là hòa giải ở cơ sở và mới xuất hiện gần đây có thêm hòa giải, đối thoại tại Tòa án thực hiện theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020.

Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở được ban hành ngày 20/6/2014.

III. NHỮNG TRANH CHẤP BẮT BUỘC PHẢI HÒA GIẢI

1. Hòa giải trong tranh chấp lao động

Về nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động, khoản 2 Điều 180 Bộ luật Lao động năm 2019 khẳng định: “Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật”. Có thể thấy, pháp luật luôn khuyến khích áp dụng thủ tục hòa giải để giải quyết những tranh chấp lao động nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình giải quyết trang chấp, giảm gánh nặng cho Tòa án và vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động và người sử dụng lao động.

Đối với tranh chấp lao động cá nhân, Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, …”. Đồng thời, Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 219 Bộ luật lao động năm 2019 cũng quy định: “Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

Ngoại lệ: sau đây một số tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

“a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.”

(Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự  được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm a Khoản 2 Điều 219 Bộ luật lao động  2019;  Khoản 1 Điều 188 BLLĐ 2019)

Như vậy, đối với tranh chấp lao động cá nhân, trừ trường hợp không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải nêu trên thì  đều bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải theo quy định pháp luật trước khi yêu cầu Tòa án hoặc Hội đồng trọng tài lao động giải quyết.

2. Hòa giải trong tranh chấp đất đai

Theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013, “nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở”. Như vậy, trong trường hợp này, nhà nước chỉ khuyến khích và không bắt buộc các bên phải hòa giải.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 cùng Điều 202 quy định: “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.”. Có thể thấy, trong trường hợp này, Hòa giải tải Ủy ban nhân dân cấp xã là thủ tục bắt buộc.

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

(khoản 1, khoản 2 Điều 203 Luật đất đai 2013)

Ngoài ra, căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về các trường hợp chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật, được hướng dẫn chi tiết tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP như sau:

“2. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.”

Như vậy, theo quy định của Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, chỉ những tranh chấp đất đai về việc ai là người có quyền sử dụng đất mới bắt buộc thông qua thủ tục hòa giải tại Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có tranh chấp, nếu không hòa giải tại UBND cấp xã thì sẽ không được quyền khởi kiện tại tòa án hoặc yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết.

Đối với những tranh chấp khác như tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,…(theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP) thì không bắt buộc phải hòa giải trước khi tiến hành khởi kiện.

3. Hòa giải trong thủ tục ly hôn

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, ly hôn có thể tiến hành hòa giải ít nhất 2 lần trước khi Tòa án giải quyết thủ tục ly hôn. Cụ thể:

a) Hòa giải tại cơ sở:

Theo quy định tại Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình 201: “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.” Như vậy, việc hòa giải tại cơ sở là cơ hội để các cặp vợ/chồng giải quyết mâu thuẩn được nhà nước khuyến khích chứ không bắt buộc.

b) Hòa giải tại Tòa án:

Theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.” Như vây, hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc phải tiến hành trước khi giải quyết thủ tục ly hôn.

Căn cứ theo quy định của Bộ Luật dân sự thì:

+ Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này. (Điều 10 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

+ Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. (Khoản 1 Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

+ Khoản 2 Điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về vấn đề hòa giải khi ly hôn thuận tình thì: “Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình”

Có thể thấy, Theo quy định của bộ luật Tố tụng dân sự thì Hòa giải là thủ tục bắt buộc phải trải qua trong giải quyết vụ án dân sự, trừ những trường hợp vụ án không được hòa giải hoặc không cần hòa giải. Dù là thuận tình ly hôn, hay đơn phương ly hôn thì thủ tục hòa giải là thủ tục bắt buộc phải thực hiện tại Tòa án.

Ngoại lệ:

Các trường hợp Tòa án không thể tiến hành hòa giải được:

– Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt;

– Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng;

– Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;

– Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.

( Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Như vậy, khi tiến hành giải quyết yêu cầu ly hôn, vợ/chồng sẽ được tạo điều kiện tiến hành hỏa giải ít nhất 2 lần: 1 lần tại cơ sở và 1 lần tại Tòa án. Đối với hòa giải tại cơ sở thì không bắt buộc, đối với hòa giải tại tòa án thì đây là thủ tục bắt buộc phải trải qua trước khi Tòa án giải quyết thủ tục ly hôn, trừ những trường hợp không thể tiến hành hòa giải nếu trên.

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan