18

Th10

THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm luôn tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho các bên kinh doanh. Việc xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm giúp tạo được uy tín, sự tin dùng của khách hàng và đảm bảo tuân thủ theo pháp luật. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm được thủ tục này. Bài biết sau đây sẽ cung cấp các quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, mời quý bạn đọc cùng theo dõi.

I.CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật an toàn thực phẩm 2010;

– Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm 2010

– Thông tư 38/2018/TT/BNNPTNT quy định về thẩm định chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

-Thông tư số 67/2021/TT-BTC ngày 05 tháng 08 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính

– Thông tư 43/2018/TT-BCT quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của bộ công thương

II.ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM

+ Có đủ các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV Luật an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010. Ví dụ như điều kiện đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; trong sản xuất kinh doanh thực phẩm tươi sống; trong sơ chế, chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến; hay trong kinh doanh dịch vụ ăn uống; …

+  Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

+ Không thuộc trường hợp không được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

III. THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM

Bước 1: chuẩn bị hồ sơ:

Căn cứ theo Điều 36 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP gồm các giấy tờ sau đây:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

d) Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;

đ) Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.

Bước 2: Nộp hồ sơ:

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 3: Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nếu đủ điều kiện.

IV.THẨM QUYỀN CẤP PHÉP

Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. (Điều 35 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm), cụ thể như sau:

1.Bộ Y tế:

 

TT Tên sản phẩm/nhóm sản phẩm Ghi chú
1 Nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, đá thực phẩm (nước đá dùng liền và nước đá dùng để chế biến thực phẩm) Trừ nước đá sử dụng để bảo quản, chế biến sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
2 Thực phẩm chức năng
3 Các vi chất bổ sung vào thực phẩm
4 Phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm
5 Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm Trừ những dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương được sản xuất trong cùng một cơ sở và chỉ để dùng cho các sản phẩm thực phẩm của cơ sở đó
6 Các sản phẩm khác không được quy định tại danh mục của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

(Xem chi tiết danh mục tại phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP)

2.Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và các nông sản thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.

Xem chi tiết Danh mục các sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

3.Bộ Công thương:

+  Đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bánh kẹo, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ;

+ Đối với các chính sách, quy định, điều kiện kinh doanh tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích…;

+ Đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.

Xem chi tiết Danh mục các sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP

 

Đối với từng lĩnh vực cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương được hướng dẫn bởi Thông tư 43/2018/TT-BCT (Điều 6).

Thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp được hướng dẫn bởi Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT.

Quản lý các sản phẩn thuộc Bộ Y tế được hướng dẫn tại các văn bản: Thông tư 43/2014/TT-BYT; Thông tư số 44/2015/TT-BYT; Công văn Số: 7131/BYT-VPB1 của Bộ Y tế ngày 25 tháng 9 năm 2015; Quyết định Số 135/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 15 tháng 01 năm 2019

V.THỜI HẠN CỦA GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN ATTP

– Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm.

– Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được thực hiện như trên.

VI.LỆ PHÍ

Căn cứ theo biểu phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm Ban hành kèm theo Thông tư số 67/2021/TT-BTC  ngày 05 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:

III Thẩm định điều kiện hành nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm
1 Thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm
a Thẩm định cơ sở kinh doanh thực phẩm 1.000.000 đồng/lần/cơ sở
b Thẩm định cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống:
– Phục vụ dưới 200 suất ăn 700.000 đồng/lần/cơ sở
– Phục vụ từ 200 suất ăn trở lên 1.000.000 đồng/lần/cơ sở
c Thẩm định cơ sở sản xuất thực phẩm (trừ cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe)
Đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm 500.000 đồng/lần/cơ sở
Đối với cơ sở sản xuất khác (bao gồm cả cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh) được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm 2.500.000 đồng/lần/cơ sở
d Thẩm định cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP) 22.500.000 đồng/lần/cơ sở
2 Thẩm định điều kiện cơ sở kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy, cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu:
a Đánh giá lần đầu, đánh giá mở rộng 28.500.000 đồng/lần/đơn vị
b Đánh giá lại 20.500.000 đồng/lần/đơn vị

 

VII. LƯU Ý

1.Những cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP nghị định hướng dẫn luật an toàn thực phẩm, các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

c) Sơ chế nhỏ lẻ;

d) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

đ) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

e) Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

g) Nhà hàng trong khách sạn;

h) Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

i) Kinh doanh thức ăn đường phố;

k) Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận:

+Thực hành sản xuất tốt (GMP);

+Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP);

+Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000;

+Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS);

+Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC);

+Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

2.Quy định pháp luật về xử phạt an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo Điều 18, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm như sau:

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng: đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp.

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng: đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng: đối với hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo lộ trình quy định của pháp luật.

Biện pháp khắc phục hậu quả

+ Buộc thu hồi thực phẩm đối với vi phạm theo quy định pháp luật.

+ Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm theo quy định pháp luật.

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

 

 

 

 

Tin tức liên quan