29

Th12

CHẾ ĐỊNH VỀ QUẤY RỐI TÌNH DỤC TẠI NƠI LÀM VIỆC THEO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động đã được quy định rõ tại Bộ luật lao động 2019. Ngoài ra, tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều tại Bộ luật lao động cũng quy định người sử dụng lao động phải quy định phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong nội quy lao động. Đây là một chế định mới bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho người lao động nữ trong môi trường làm việc. Vậy pháp luật đề cập như thế nào đối với vấn đề này? Mời cùng theo dõi bài viết sau đây nhé!

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật lao động 2019;

– Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

II. THẾ NÀO LÀ HÀNH VI QUẤY RỐI TÌNH DỤC TẠI NƠI LÀM VIỆC

Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.

Khoản 2 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định các hành vi thuộc hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm:

– Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

– Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

– Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Trong đó, nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định (Khoản 3 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

Như vậy có thể thấy, Bản chất của hành vi quấy rối tình dục được thể hiện rất đa dạng, có thể là lời nói, ánh mắt, cử chỉ, chữ viết (bức thư), hình ảnh hoặc là những hành vi đụng chạm cơ thể, thậm chí là những hành vi nghiêm trọng hơn là tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm… Hành vi quấy rối tình dục ban đầu có thể chỉ là ánh mắt, lời nói, đụng chạm nhưng nếu hành vi này không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì người đó còn có thể thực hiện những hành vi tiếp xúc cơ thể trái ý muốn, thậm chí có thể là hành vi cưỡng dâm, hiếp dâm nạn nhân.

III. TRÁCH NHIỆM, NGHĨA VỤ PHÒNG, CHỐNG QUẤY RỐI TÌNH DỤC TẠI NƠI LÀM VIỆC

Việc phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc không chỉ là trách nhiệm của người sử dụng lao động mà còn là của người lao động, theo đó:

Đối với người sử dụng lao động

Về trách nhiệm

Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 98 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng quy định về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động, bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

b) Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;

c) Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;

d) Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;

đ) Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, người sử dụng lao động phải xây dựng nội dung về khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục và xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục bảo đảm các nguyên tắc: nhanh chóng, kịp thời; bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.

Về nghĩa vụ

Căn cứ khoản 1 Điều 86 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, Người sử dụng lao động có nghĩa vụ:

a) Thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho người lao động;

c) Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.

Đối với người lao động

Người lao động có nghĩa vụ thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tham gia xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục; ngăn cản, tố cáo hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Đối với tổ chức đại diện người lao động

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm:

a) Tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

b) Cung cấp thông tin, tư vấn và đại diện cho người lao động bị quấy rối tình dục, người lao động đang bị khiếu nại, bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục;

c) Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Ngoài ra, Nghị định 145/2020/NĐ-CP còn quy định: Khuyến khích người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lựa chọn nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc để tiến hành thương lượng tập thể.

IV. HÀNH VI QUẤY RỐI TÌNH DỤC CÓ THỂ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Trong lĩnh vực lao động, hành vi quấy rối tình dục sẽ có thể xử phạt đến 30.000.000 đồng. Cụ thể, tại khoản 3, Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định rõ phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu hành vi quấy rối tình dục chỉ ở dạng lời nói, cử chỉ, gửi thông điệp hoặc hành động đụng chạm,… nhưng chưa thể hiện thực hiện hành vi quan hệ tình dục trong lĩnh vực khác thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan